Vì sao phải điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam?
Phỏng vấn đồng chí Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về những nội dung quan trọng của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung khu kinh tế Đông Nam.
P.V: Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung khu kinh tế Đông Nam Nghệ An?
Đồng chí Lê Ngọc Hoa: Quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An được lập từ năm 2007, thời hạn lập chỉ đến 2030, một số quy hoạch hiện nay không còn phù hợp, ví dụ không còn khu phi thuế quan, khu công nghệ cao. Một số diện tích không có thực tiễn để giải phóng mặt bằng, một số khu quá đông dân cư không giải phóng mặt bằng được. Diện tích Khu công nghiệp còn ít, manh mún. Vì vậy ta phải điều chỉnh quy hoạch chung và kéo thời hạn điều chỉnh đến năm 2040, tạo tiền đề cho việc đón đầu làn sóng đầu tư.
Cụ thể; KKT Đông Nam được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007; Tổng diện tích 18.826,47ha, trên địa bàn 18 xã, phường: Nghi Hợp, Nghi Xá, Nghi Long, Nghi Thuận, Nghi Đồng, Nghi Hưng, Nghi Quang, Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Yên (10 xã thuộc huyện Nghi Lộc); Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn An, Diễn Lộc, Diễn Thọ, Diễn Phú (6 xã thuộc huyện Diễn Châu); phường Nghi Tân, Nghi Thủy (2 phường thuộc thị xã Cửa Lò).
Quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: L.T
Năm 2014, KKT Đông Nam được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung thêm ranh giới các KCN Hoàng Mai và KCN Đông Hồi (1.200 ha) theo Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg ngày 04/12/2014.
Năm 2015, KKT Đông Nam được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung thêm ranh giới Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (750 ha) theo Quyết định số 10/2015/QĐ-TTg 03/4/2015. Sau khi điều chỉnh, nâng tổng diện tích KKT Đông Nam lên 20.776,47 ha.
Các khu chức năng chính trong KKT Đông Nam theo quy hoạch gồm: Khu phi thuế quan 650ha; 05 khu công nghiệp 4.461ha (bao gồm KCN công nghệ cao 94ha); 06 khu đô thị với tổng diện tích đất dân cư 1.822ha; trung tâm đào tạo 212ha; khu du lịch nghỉ dưỡng 1.417ha; khu bến cảng Cửa Lò và Khu bến cảng Đông Hồi. Hiện nay, cơ bản đã hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu xây dựng.
Sau hơn 12 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế Đông Nam đang từng bước thể hiện vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Đã huy động, thu hút đầu tư và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn hơn 8.500 tỷ đồng.
Đồ họa: Lâm Tùng
Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, bất cập, chưa phù hợp thực tiễn và thiếu khả thi.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch khu chức năng công nghiệp gắn với đô thị và dịch vụ đang là một xu thế mới, thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng đồ án được duyệt chưa thể hiện rõ.
Các khu dân cư hiện trạng phân bố rải rác, không tập trung trong các khu chức năng, làm hạn chế việc phát triển đồng bộ các khu chức năng, khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn.
Các trung tâm công cộng và đất chuyên dùng như: trung tâm công cộng đô thị; trường chuyên nghiệp, khu du lịch… khó triển khai do quy mô lớn, vị trí không lợi thế so với ngoài khu kinh tế, còn phải điều chỉnh cục bộ (khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc).
Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống hạ tầng cấp Quốc gia như: cảng biển, đường bộ, đường sắt được bổ sung, điều chỉnh làm ảnh hưởng đến toàn bộ quy hoạch các khu chức năng được phê duyệt. Đầu tư xây dựng các trục giao thông chính còn nhiều bất cập, hạn chế: phân kỳ đầu tư thi công đứt đoạn; kém khả thi, các hạng mục hoàn thành không đưa vào sử dụng được do thiếu đồng bộ, dở dang; nguồn vốn rất hạn chế.
Hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam dần hoàn thiện chào đón các nhà đầu tư. Ảnh: Thành Cường
Ngoài ra một số quy hoạch mới bổ sung như KCN Hoàng Mai và KCN Đông Hồi có quy mô 1.200ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Khu kinh tế Đông Nam (tại Quyết định số 67/2014/QĐ-TTg ngày 04/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An có quy mô 750ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Khu kinh tế Đông Nam (tại Quyết định số 10/2015/QĐ-TTg ngày 03/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 cần được tính đến và bổ sung.
Vì các lý do nêu trên, việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển và xây dựng Khu kinh tế Đông Nam trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An.
Lao động sản xuất tại các doanh nghiệp Khu Kinh tế Đông Nam. Ảnh: Lâm Tùng
P.V: Phạm vi ranh giới điều chỉnh quy hoạch như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Ngọc Hoa: Điều chỉnh quy hoạch lần này là điều chỉnh trong ranh giới khu công nghiệp được lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Gồm: Khu khu CN VSIP, khu kinh tế Đông Nam hiện hữu, bỏ bớt một số diện tích không giải phóng mặt bằng được, một số phân khu chức năng. Mục tiêu điều chỉnh là phù hợp với thu hút đầu tư hiện nay. Qua đợt điều chỉnh này, tăng diện tích thêm 671 ha cho đất công nghiệp. Tương lai tỉnh sẽ điều chỉnh mở rộng ranh giới khu công nghiệp và đổi tên khu công nghiệp thành Khu công nghiệp Nghệ An.
P.V: Tác động của việc điều chỉnh quy hoạch chung là gì thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Ngọc Hoa: Mục đích điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam bên cạnh phù hợp với các quy hoạch mới được phê duyệt.
Lấy các khu công nghiệp làm trọng tâm phát triển cho khu kinh tế, từ đó lan tỏa phát triển các khu chức năng kèm theo như: đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch,… Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng, đồng bộ với phát triển hạ tầng đầu mối kết nối (cảng biển nước sâu), hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, phát triển thương mại, đô thị, dịch vụ, du lịch và hạ tầng xã hội.
Hạ tầng khu công nghiệp WHA Industrial zone 1 đã sẵn sàng. Ảnh: Trân Châu
Điều chỉnh quy hoạch chung sẽ chỉnh ranh giới các khu chức năng để giảm thiểu tối đa di dời dân cư, gắn với chỉnh trang, sắp xếp lại hợp lý các khu dân cư đảm bảo tập trung quỹ đất phát triển các khu chức năng có khả thi và hiệu quả. Phương án điều chỉnh đã đưa ra khỏi KCN Nam Cấm khoảng 1.500 hộ, KCN Thọ Lộc khoảng 750 hộ; điều chỉnh chức năng sử dụng đất và đưa ra khỏi quy hoạch Khu phi thuế quan khoảng 6.000 hộ (điều chỉnh thành khu hậu phương cảng, khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ); ….
Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng quy hoạch 2 KCN trung tâm, bố trí quy hoạch thêm 2 Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Cấm, Thọ Lộc. Nâng tổng số Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ trong KKT Đông Nam thành 3 khu (bao gồm cả Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP). Tổng diện tích 2.285ha (VSIP 750ha; Nam Cấm 685ha; Thọ Lộc 850ha).