Đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020
Trong những năm qua, dòng vốn FDI đã và đang là một kênh bổ sung vốn rất quan trọng, có ảnh hưởng tích cực đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, KKT Đông Nam đã thu hút được một số nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP (Singapore), WHA (Thái Lan) nhằm tạo điều kiện, cơ sở để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư các dự án thứ cấp. Lũy kế đến nay, KKT Đông Nam đã thu hút được 239 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 58.005,8 tỷ đồng. Trong đó có 43 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 15.820 tỷ đồng (tương đương 680,45 triệu USD). Theo đó, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chiếm 17,9% về số lượng dự án, và chiếm 27,2% trong tổng mức đầu tư đăng ký.
1. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong KKT Đông Nam.
Trong những năm qua, dòng vốn FDI đã và đang là một kênh bổ sung vốn rất quan trọng, có ảnh hưởng tích cực đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, KKT Đông Nam đã thu hút được một số nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP (Singapore), WHA (Thái Lan) nhằm tạo điều kiện, cơ sở để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư các dự án thứ cấp.
Năm 2019, KKT Đông Nam thu hút được 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 7.642,3 tỷ đồng. Trong đó có 08 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6.718 tỷ đồng, chiếm 88% tổng vốn đầu tư đăng ký. 8 tháng đầu năm 2020, KKT Đông Nam thu hút được 12 dự án với tổng vốn đầu tư là 1.929,1 tỷ đồng. Trong đó có 04 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 1.125,1 tỷ đồng, chiếm 58,3% tổng vốn đầu tư.
Lũy kế đến nay, KKT Đông Nam đã thu hút được 239 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 58.005,8 tỷ đồng. Trong đó có 43 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 15.820 tỷ đồng (tương đương 680,45 triệu USD). Theo đó, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chiếm 17,9% về số lượng dự án, và chiếm 27,2% trong tổng mức đầu tư đăng ký.

Một góc Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An
Xét theo cơ cấu đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài vào KKT Đông Nam thì Thái Lan là đối tác chủ yếu với 9 dự án, chiếm 20,9%; tiếp đến là Trung Quốc với 8 dự án, chiếm 18,6%; Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi quốc gia có 5 dự án, chiếm tỷ lệ 11,6%. Còn lại là các dự án đến từ Ấn Độ (03 dự án), Singapore (02 dự án), Đài Loan (02 dự án), Mỹ (01 dự án), Malaysia (01 dự án), Thụy Điển (01 dự án) và Australia (01 dự án).
Một số dự án FDI có quy mô lớn đã đăng ký đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An trong thời gian qua bao gồm: Dự án Luxshare - ICT do Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An (Hồng Kông) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 140 triệu USD; Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (Singapore) do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 76,4 triệu USD; Dự án Khu công nghiệp WHA Industrial Zone -1 Nghệ An do Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An (Thái Lan) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 92,2 triệu USD.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, tính đến tháng 8 năm 2020, đã có 26/43 dự án FDI đi vào hoạt động, góp phần vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua, tuy nhiên tỷ lệ đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước so với các doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn còn hạn chế, cụ thể năm 2019, nguồn thu NSNN tại các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm tỷ lệ 11,9% trong tổng thu NSNN của tất cả các doanh nghiệp trong KKT Đông Nam.

Khu công nghiệp WHA Industrial Zone -1 Nghệ An
Các dự án FDI đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An trong thời gian qua chủ yếu là những dự án đầu tư vào lĩnh vực may mặc xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến nông, lâm sản và sản xuất hàng tiêu dùng. Đây là những lĩnh vực đầu tư có sử dụng số lượng lớn lao động, giúp tỉnh Nghệ An giải quyết được một lượng lớn lao động phổ thông của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân địa phương có thể hoạt động cung ứng các dịch vụ kèm theo như cho thuê nhà, dịch vụ ăn uống, kinh doanh nhu yếu phẩm..v.v.
Những doanh nghiệp FDI hiện đang sử dụng nhiều lao động trong KKT Đông Nam có thể kể đến Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam (Hàn Quốc) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử với 3.245 lao động, Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam (Hàn Quốc) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc với 1.457 lao động, Công ty TNHH Matrix Vinh (Trung Quốc) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi với 1.004 lao động. Dự kiến trong thời gian tới, khi dự án Luxshare – ICT và dự án Merry&Luxsharre đi vào hoạt động có thể giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Khánh thành Nhà máy Royal Food Nghệ An
Nhìn chung, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An đã góp phần hỗ trợ có hiệu quả môi trường đầu tư, từng bước thúc đẩy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho Nghệ An mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp FDI cũng là những đơn vị tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Nhiều vị trí việc làm trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nay đã được thay thế bằng lao động Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động thiện nguyện khác.
2. Một số tồn tại, hạn chế
Ngoài những mặt tích cực như mang lại hiệu quả trong việc gia tăng giá trị sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng lao động, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại KKT Đông Nam trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như sau:
Một là, số lượng và quy mô dự án còn ít, tỷ lệ góp vốn đầu tư, nộp ngân sách nhà nước của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế so với các dự án đầu tư trong nước, tỷ lệ vốn thực hiện/vốn đăng ký còn thấp, nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài, một số dự án đăng ký với quy mô vốn rất lớn nhưng lại không thể thực hiện dẫn đến phải chấm dứt hoạt động.
Hai là, chưa có dự án mang tính động lực phát triển, chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực chế biến chế tạo, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và các ngành lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh từ các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế.
Ba là, mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm chưa cao.
Bốn là, chất lượng nguồn nhân lực địa phương, kết cấu hạ tầng trong KKT Đông Nam còn chưa hoàn thiện, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính sách pháp luật, cơ chế hỗ trợ ưu đãi đầu tư đối với dự án FDI vẫn còn bất cập, chồng chéo và chưa ổn định, đặc biệt là các quy định về thuế, giá, thời hạn thuê đất và miễn tiền thuê đất..
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động FDI trong những năm tới
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 thành những nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của KKT Đông Nam Nghệ An.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chức năng, quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch khu nhà ở công nhân..v.v Trong đó nghiên cứu rà soát, sắp xếp lại phạm vi, ranh giới quy hoạch, sắp xếp, bố trí quỹ đất hợp lý; định hình lại các khu chức năng, khu công nghiệp để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Thứ ba, tập trung và ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông, cảng biển, đô thị và các dịch vụ khách sạn, nghỉ dưỡng.. thiết yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI trong quá trình tiến hành các hoạt động đầu tư.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực địa phương đảm bảo trình độ, năng lực làm việc trong khu vực đầu tư nước ngoài. Trong đó, cần có sự phối hợp 3 bên là doanh nghiệp, nhà trường (các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và các cơ quan nhà nước để đào tạo các ngành, nghề cho người lao động phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả quản lý, hỗ trợ và giám sát đầu tư của các cơ quan và cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Kịp thời giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong các hoạt động cấp phép đầu tư, điều chỉnh đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ trong hoạt động quản lý đầu tư nước ngoài đủ mạnh, đủ năng lực; có cơ chế kiểm tra, phối hợp liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ sáu, thu hút FDI đòi hỏi công tác xúc tiến đầu tư phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, hình thức hoạt động theo hướng chủ động tìm kiếm, thu hút đầu tư. Về cơ cấu đối tác, cần xác định mục tiêu thu hút là các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn nắm công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, trong đó ưu tiên các dự án gắn với chuyển giao công nghệ, thân thiện môi trường. Trong ngắn hạn, tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Nghệ An vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày, sản xuất thực phẩm... nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Về lâu dài, cần nghiên cứu thu hút các dự án đầu tư mang tính động lực phát triển và có chuỗi giá trị gia tăng cao như: sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, máy tính; các ngành cơ khí trọng điểm, chế biến chế tạo công nghệ cao.
Hiệp Hải - Phòng KH&ĐT