image banner
TIN NÓNG
DỊCH VỤ CÔNG

image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư

Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được ban hành nhằm thay thế các quy định trước đây, khắc phục những bất cập và chồng chéo trong các văn bản pháp luật cũ. Nghị định này tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, từ quy hoạch, thành lập, mở rộng, đến hoạt động và quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đặc biệt là Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế (gọi tắt là Ban Quản lý).

Nghị định cũng đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; tăng cường phân cấp, phân quyền trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho Ban quản lý; tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” thông qua đầu mối tại Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

Triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 37/2022/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 về quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước nhà nước tại Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các thủ tục hành chính được thực hiện tại Ban Quản lý theo phân cấp, ủy quyền đã thực hiện tốt, kịp thời và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, được các nhà đầu tư, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP cũng như hệ thống pháp luật hiện hành đang còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi.

Thứ nhất: Về quy định giới hạn 500ha cho mỗi giai đoạn để trình chấp thuận chủ trương đầu tư

(i) Quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP:

- Điểm a khoản 2 Điều 9 quy định: “2. Khu công nghiệp phải được phân kỳ đầu tư trong các trường hợp sau: a) Khu công nghiệp có quy mô diện tích trên 500 ha phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không quá 500 ha;”

- Khoản 4 Điều 8 quy định: “4. Khu công nghiệp thuộc trường hợp phân kỳ đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với từng giai đoạn.

Trường hợp khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công hoặc giai đoạn tiếp theo có cùng nhà đầu tư với giai đoạn trước thì được quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi giai đoạn trước đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% hoặc đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp này, nhà đầu tư giai đoạn trước được ưu tiên lựa chọn thực hiện giai đoạn sau, trừ trường hợp phải áp dụng đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.”

(ii) Khó khăn, vướng mắc:

- Quy định như hiện tại chưa thực sự hấp dẫn, hạn chế khả năng đầu tư của các nhà đầu tư hạ tầng có kinh nghiệm và năng lực tài chính, có nhu cầu đầu tư khu công nghiệp quy mô lớn theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Quy định này, buộc nhà đầu tư phải phân kỳ đầu tư khu công nghiệp theo giai đoạn để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn gây khó khăn trong quá trình thực hiện trên thực tế (cụ thể do thời điểm giải phóng mặt bằng các giai đoạn khác nhau dẫn đến đơn giá bồi thường khác nhau trong cùng một khu công nghiệp).

- Đối với khu công nghiệp có quy mô trên 500ha, nhà đầu tư sẽ phải đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật ngay từ giai đoạn 1 bao gồm: nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải, trạm phòng cháy chữa cháy, văn phòng, hệ thống giám sát bảo vệ môi trường,.. theo đúng quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp. Trong khi nhà đầu tư của giai đoạn trước chưa chắc chắn sẽ được chấp thuận là nhà đầu tư của giai đoạn tiếp theo trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư quan tâm, điều này khiến nhà đầu tư không thể phân bổ chi phí đã đầu tư cho hạ tầng dùng chung vào chi phí của toàn dự án; hoặc nhà đầu tư cũng có thể phải đối mặt với những thiệt hại về mặt kinh tế khi có những thay đổi về pháp luật trong giai đoạn tiếp theo liên quan đến việc thuê đất, giải phóng mặt bằng…

- Khoản 1 Điều 9 Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định một trong những điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp là phù hợp với Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh và có trong danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (trong đó đã xác định quy mô từng khu công nghiệp, phân bổ chỉ tiêu khu công nghiệp). Vì vậy, việc quy định giới hạn 500ha cho mỗi giai đoạn khu công nghiệp để trình chấp thuận chủ trương đầu tư tại khoản 4 Điều 8, khoản 2 Điều 9 Nghị định 35/2022/NĐ-CP là không cần thiết.

- Xu hướng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư toàn cầu, nhất là nguồn vốn FDI đang diễn ra mạnh mẽ, đa số các tập đoàn, công ty nước ngoài đều có nhu cầu sử dụng đất lớn cho mỗi dự án, dự báo khả năng lấp đầy diện tích đất công nghiệp tại các khu công nghiệp sẽ nhanh hơn, vì vậy việc hạn chế quy mô khu công nghiệp hiện nay sẽ khó khăn cho các địa phương trong phát triển quỹ đất sạch đủ lớn đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư.

(iii) Kiến nghị:

Đề nghị sửa đổi điều khoản này theo hướng cho phép thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư 01 lần cho cả dự án theo Danh mục khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh; trong đó yêu cầu nhà đầu tư phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn để thực hiện, mỗi giai đoạn không quá 500ha.

Thứ hai: Về quy định giới hạn quy mô đất lúa được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong mỗi khu công nghiệp

(i) Quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP:

Điểm b, c, d khoản 2 Điều 9 quy định: Khu công nghiệp có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên trên 200 ha (đối với vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long); 150 ha (đối với vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ); 100 ha (đối với vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây nguyên) phải được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô diện tích quá 100/150/200ha và thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với từng giai đoạn.

(ii) Khó khăn, vướng mắc:

- Tương tự các bất cập nêu tại mục 1.1 nêu trên.

- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có địa hình tương đối đa dạng (bao gồm đồng bằng, trung du, miền núi), đa số các khu công nghiệp hiện nay đang tập trung phát triển ở khu vực đồng bằng nằm trong khu kinh tế ven biển, do đó phần lớn diện tích phát triển khu công nghiệp là đất nông nghiệp (đất lúa 02 vụ là chủ yếu, chiếm khoảng 60 - 70% diện tích của mỗi khu công nghiệp); so với các vùng trọng điểm khu vực phía Bắc và phía Nam, khu vực này gặp rất nhiều khó khăn trong kêu gọi, thu hút đầu tư nhất là các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Ngoài về yếu tố địa lý, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, việc hạn chế quy mô chuyển đổi đất lúa dẫn đến hạn chế quy mô đầu tư của mỗi khu công nghiệp sẽ khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, do giá cho thuê lại đất ở khu vực này thấp hơn rất nhiều so với khu vực phía Bắc và phía Nam, sẽ không hiệu quả nếu quy mô của khu công nghiệp bị hạn chế về quy mô khu công nghiệp, quy mô đất lúa trong mỗi giai đoạn khu công nghiệp.

- Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; trong đó đã phân cấp cho HĐND tỉnh được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha. Theo đó, việc khống chế quy mô đất trồng lúa 02 vụ trong mỗi khu công nghiệp (150ha đối với tỉnh Nghệ An) của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP là không còn phù hợp với cơ chế đặc thù ban hành tại Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội.

- Đối với các khu công nghiệp quy hoạch với quy mô diện tích khoảng 200 - 300ha nhưng diện tích đất trồng lúa 02 vụ trở lên chiếm trên 150ha. Theo quy định, Nhà đầu tư phải phân kỳ đầu tư, thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với phần diện tích không quá 150ha đất trồng lúa 02 vụ,  thì theo đó phần diện tích còn lại thường có diện tích nhỏ không thực sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng triển khai giai đoạn tiếp theo, khó đảm bảo cơ cấu sử dụng đất khu công nghiệp (như tỷ lệ đất giao thông, đất cây xanh, đất hạ tầng kỹ thuật theo QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng).

(iii) Kiến nghị:

- Phương án 1: đề nghị bỏ quy định giới hạn quy mô chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ.

- Phương án 2: cho phép thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư 01 lần cho cả dự án; trong đó yêu cầu nhà đầu tư phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn để thực hiện, mỗi giai đoạn không quá hạn mức chuyển đổi đất lúa theo quy định.

Thứ ba: Về quy định điều kiện mở rộng khu công nghiệp

(i) Quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP:

Tại điểm c khoản 8 Điều 9 quy định một trong những điều kiện để mở rộng khu công nghệp là “Đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp đã thành lập trước đó theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

(ii) Khó khăn, vướng mắc:

Theo quy định của pháp luật (khoản 9 Điều 77 Luật Đầu tư 2020; Khoản 1 Điều 94 Luật Nhà ở 2023, Điều 58 Nghị định 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ) quy định khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế của công đoàn; diện tích đất trong khu công nghiệp để xây dựng nhà lưu trú công nhân đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó. Trong khi pháp luật nhà ở hiện nay không quy định trách nhiệm nhà đầu tư hạ tầng phải xây dựng nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp do mình làm chủ đầu tư (Điều 80, Điều 92 Luật Nhà ở 2024, điểm b khoản 1 Điều 57 Nghị định số 100 ngày 26/7/2024 của Chính phủ). Do đó, dự án hạ tầng khu công nghiệp và dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân là 02 dự án độc lập, có thể do nhiều nhà đầu tư thực hiện ở các thời điểm và trình tự, thủ tục khác nhau nên quy định nêu trên là chưa phù hợp với thực tiễn triển khai tại các địa phương (nhu cầu nhà ở của công nhân bắt đầu khi các nhà máy đi vào hoạt động và phát sinh muộn hơn so với yêu cầu mở rộng khu công nghiệp).

(iii) Kiến nghị:

Đề nghị bỏ quy định điểm c khoản 8 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.

Thứ tư: Về quy định tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã thành lập khi phát triển khu công nghiệp mới ngoài khu kinh tế

 (i) Quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP:

Khoản 6 Điều 9 quy định về điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp:

“6. Tại thời điểm trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hợp lệ theo quy định của pháp luật về đầu tư, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt tối thiểu là 60%, trừ các trường hợp sau đây:”

(ii) Khó khăn, bất cập:

- Các quy định mới của pháp luật được ban hành đã giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, xây dựng một khung pháp lý thống nhất, tạo ra lộ trình phát triển dài hạn, nâng cao việc giám sát, đánh giá và điều chỉnh kịp thời quá trình phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Hiện nay, nhu cầu bất động sản công nghiệp ngày càng tăng cao, trong khi quỹ đất để phát triển khu công nghiệp càng ngày hạn hẹp. Theo quy định nêu trên, việc phát triển các khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế phải đáp ứng tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt tối thiểu là 60% làm giới hạn, rào cản tạo rào cản đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng hiệu quả khi triển khai các dự án khu công nghiệp mới trên địa bàn.

- Mặt khác, phương án phát triển các khu công nghiệp theo từng thời kỳ đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, đảm bảo các khu công nghiệp được phân bổ hợp lý, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh từng giai đoạn, tránh tình trạng lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu công nghiệp bằng cách đảm bảo định hướng phù hợp, đồng bộ giữa các ngành kinh tế, lĩnh vực và bảo vệ môi trường.

(iii) Kiến nghị:

Đề nghị bỏ quy định tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp đã thành lập tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.

Thứ năm: Về quy định quy hoạch xây dựng khu công nghiệp

          (i) Quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP:

Tại khoản 1, 2 Điều 7 quy định về quy hoạch xây dựng khu công nghiệp:

“1. Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp gồm: quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp (nếu cần). Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định tại Nghị định này

2. Quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp được phê duyệt là cơ sở để:

a) Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp (nếu cần);

b) Tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công; tổ chức lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư;

c) Quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư”.

(ii) Vướng mắc, bất cập:

- Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số số 47/2024/QH15 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025) không yêu cầu lập quy hoạch chung đối với khu công nghiệp, cụ thể:

+ Khoản 11 Điều 2 quy định: “Quy hoạch chung là việc xác định mục tiêu, định hướng phát triển tổng thể, kế hoạch phát triển dài hạn; tổ chức không gian, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở cho một thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới hoặc một huyện, một xã hoặc một khu chức năng.”

+ Khoản 4 Điều 3: “4. Quy hoạch chung được lập cho thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới, huyện, xã và khu chức năng là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia được xác định trong quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương.”

- Ngoài ra, khi triển khai quy hoạch xây dựng khu công nghiệp cần phải có phương án, biện pháp khắc phục đối với các hoạt động lấn, lấp sông, suối… theo pháp luật về tài nguyên nước.

(iii) Kiến nghị:

- Sửa đổi khoản 1, 2 Điều 7, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, như sau:

1. Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp gồm: quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp (nếu cần). Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định tại Nghị định này.

2. Quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp được phê duyệt là cơ sở để:

a) Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp (nếu cần);

b) Tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công; tổ chức lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư;

c) Quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư.”

- Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 7 như sau:

“3a. Khi quy hoạch xây dựng khu công nghiệp có hoạt động lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch cần có phương án, biện pháp khắc phục. Việc đánh giá tác động và thẩm định phương án, biện pháp phòng chống sạt lở được thực  hiện trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường”

Thứ sáu: Quy định về mở rộng khu kinh tế

(i) Quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP

Tại khoản 2 Điều 17 quy định điều kiện mở rộng khu kinh tế:

“ a) Các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này;

b) Đã đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế theo quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Có ít nhất 70% diện tích đất của các khu chức năng trong khu kinh tế đã được giao hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê để thực hiện dự án đầu tư.”

(ii) Khó khăn, vướng mắc:

Một trong các điều kiện để mở rộng khu kinh tế là “Khu kinh tế đã đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế theo quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Việc quy định điều kiện như trên là rất khó đáp ứng, có nhiều cách hiểu khác nhau, thiếu các tiêu chí cụ thể để xác định.

(iii) Kiến nghị:

Đề nghị sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP như sau:

“b) Đã đầu tư xây dựng các hệ thống kết cấu hạ tầng chính trong khu kinh tế theo quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt;”

Thứ bảy: Về công tác quản lý bảo vệ môi trường các dự án trong Khu công nghiệp, khu kinh tế

(i) Quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP:

Tại điểm d khoản 3 Điều 68 quy định:

“3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

d) Tổ chức, thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.”

(ii) Vướng mắc, bất cập:

Khoản 4 Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, đối với các dự án thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế không thuộc thẩm quyền thẩm định, cấp giấy phép môi trường của Bộ, UBND cấp tỉnh thì UBND cấp huyện là cơ quan trực tiếp thẩm định, cấp giấy phép môi trường.

Trong khi đó, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế là cơ quan quản lý nhà nước về cấp phép đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường do UBND cấp tỉnh uỷ quyền (Điểm d khoản 3 Điều 50, điểm e khoản 3 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020). Điều này dẫn tới việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp đang còn chồng chéo, chưa thật sự hiệu quả, chưa phù hợp với thực tiễn quản lý công tác bảo vệ môi trường trong Khu công nghiệp, khu kinh tế.

(iii) Kiến nghị

Đề nghị Chính phủ xem xét, phân cấp trực tiếp cho Ban quản lý KKT, KCN trong việc thực hiện nhiệm vụ: “Tổ chức, thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.”

Thứ tám: Về công tác quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài trong Khu công nghiệp, khu kinh tế

(i) Quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP:

Tại điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 68 quy định Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế:

“2. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

đ) Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

c) Nhận báo cáo về việc cho thôi việc nhiều người lao động; tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được;”.

Tuy nhiên, theo quy định Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể:

- Tại khoản 11 Điều 1 sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 30, quy định trách nhiệm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:“a) Thực hiện chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

Làm việc cho người sử dụng lao động quy định tại điểm g khoản 2 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại điểm c, d, e khoản 2 Điều 2 Nghị định này do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cho phép thành lập;

Làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.”.

- Tại Khoản 2 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 4  Nghị định số 152/2020/NĐ-CP: "2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc theo Mẫu số 03/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài”.

- Tại Điều 2 quy định bãi bỏ điểm đ khoản 2 Điều 68, điểm c khoản 3 Điều 68 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.

(ii) Vướng mắc, bất cập:

Tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP đã bãi bỏ nội dung quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP. Theo đó, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế là cơ quan quản lý trực tiếp về cấp phép đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, là cơ quan nắm hiểu rõ nhất về nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế và các khu công nghiệp nhưng không được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn không liên quan trực tiếp đến công tác quản lý đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nên sẽ không hiểu rõ nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế như Ban quản lý nhưng lại được giao thực hiện nhiệm vụ chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài và quản lý sử dụng người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế là hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu thực tiễn về công tác quản lý lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Mặt khác, hiện nay theo Công văn số 24/BCĐTKNQ18 ngày 18/12/2024 của Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ về định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp, tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thì sẽ hợp nhất, tổ chức lại bộ máy của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ, như vậy việc quy định Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài và quản lý sử dụng người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ dẫn tới bất cập.

(iii) Kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ xem xét, phân cấp trực tiếp cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế trong việc thực hiện nhiệm vụ: “Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế; tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được” (bãi bỏ Điều 2, Nghị định số 70/2023/NĐ-CP, giữ nguyên nhiệm vụ theo quyền hạn và phân cấp, ủy quyền của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế về công tác quản lý lao động nước ngoài tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP).

Thứ chín: Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Khu kinh tế 

(i) Khó khăn, vướng mắc:

Hiện nay, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong đó, tại khoản 1, Điều 67 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định:

“1. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế”. 

Theo quy định tại khoản 7, Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2, Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương): “Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc” và tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP) quy định: “Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu kinh tế và Ban Quản lý có tên gọi khác thuộc UBND cấp tỉnh không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này”.

Theo đó, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế được xác định là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bao gồm về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động (không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh). Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện việc phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh cho một số cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh theo các quy định của pháp luật về các lĩnh vực cụ thể có những sự bất cập, thiếu thống nhất, đồng bộ.

Ngoài ra, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế được quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP chưa phải là khung pháp lý cao nhất nên một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế trong tình trạng bị một số luật chuyên ngành khác chi phối, gây khó khăn, vướng mắc và chồng chéo.

(ii) Kiến nghị:

Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và trong công tác quản lý nhà nước, đề nghị

- Sửa đổi khoản 1 Điều 67 Nghị định 35/2022/NĐ-CP trong đó quy định: Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh.

- Sớm ban hành Luật khu kinh tế, khu công nghiệp; trong đó quy định vị trí Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thống nhất với quy định của Luật chính quyền địa phương.

Anh Đức - Phòng Kế hoạch và Đầu tư