image banner
TIN NÓNG
DỊCH VỤ CÔNG

image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài, kinh tế - xã hội trong nước và tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng rõ rệt theo tình hình chung của thế giới... nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự đồng lòng, bám sát các nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã làm tốt chức năng chủ trì, đầu mối tham mưu lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất hiệu quả nhiệm vụ phát triển KKT, các KCN của tỉnh. Cụ thể:

 (1) Về công tác quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp:

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040 và phương án phát triển KKT, KCN, KCNC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (với mục tiêu đến năm 2030, mở rộng Khu kinh tế Nghệ An lên 105.535ha; thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy với quy mô 25.831ha; quy hoạch 23 khu công nghiệp với tổng diện tích 8.056ha, trong đó 15 KCN trong KKT với diện tích 6.547ha và 8 KCN ngoài KKT với diện tích 1.509ha) đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh sẽ là cơ sở để mở rộng Khu kinh tế Đông Nam, định hướng quá trình phát triển KKT, KCN trong thời gian trung và dài hạn, qua đó hình thành được các khu công nghiệp có quy mô, tập trung, thống nhất và đồng bộ cùng với phát triển các khu đô thị, dịch vụ nhằm phát triển KKT Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An theo tinh thần Đề án[1] đã được UBND tỉnh thông qua.  

(2) Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư:

Đây là một trong những “điểm sáng” nổi bật của Ban Quản lý KKT Đông Nam nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

Kết quả thu hút đầu tư vượt xa kế hoạch đề ra với 27 dự án đầu tư mới và 17 dự án điều chỉnh tăng vốn; tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm 41.648,3 tỷ đồng, vượt 108% so với kế hoạch (thu hút 15.000 – 20.000 tỷ đồng) và tăng 37% so với cùng kỳ, chiếm 85% vốn đầu tư đăng ký so với cả tỉnh.

Đặc biệt, năm 2023 thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có bước tăng trưởng vượt bậc (lần đầu tiên thu hút FDI không những đạt mốc 1,0 tỷ USD mà đã đạt trên 1,6 tỷ USD và tiếp tục 2 năm liền nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước), vượt 219% mục tiêu đề ra (Mục tiêu thu hút vốn đầu tư FDI: 500 triệu USD). So với cùng kỳ năm 2022, số vốn đầu tư FDI tăng 77,0%. Với vốn đầu tư FDI thực hiện trong năm 2023 ước đạt 642 triệu USD (đạt 40,3% trên vốn đăng ký) cho thấy các Nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đây là bước “bứt phá” đáng ghi nhận với sự nỗ lực của Lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý KKT Đông Nam cũng như sự tin tưởng của doanh nghiệp, Nhà đầu tư đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh các nhà đầu tư hạ tầng VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt, đến nay Nghệ An đã trở thành điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới trong chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Goertek; Luxshare - ICT, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny, YoungJin, Hoa Lợi…, bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ thành lập mới 02 khu công nghiệp với tổng diện tích 834,79ha (Khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1 quy mô 500ha được phê duyệt tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 8/2/2023; Khu công nghiệp Hoàng Mai II quy mô 334,79ha được phê duyệt tại Quyết định số 1164/QĐ-TTg ngày 09/10/2023) và triển khai các thủ tục đầu tư cho các 03 KCN với diện tích khoảng 600 ha, gồm: Khu công nghiệp WHA 2 (189ha); Khu công nghiệp Thọ Lộc B (180ha); Khu công nghiệp Nghĩa Đàn (200ha) là điều kiện quan trọng để tiếp tục thu hút đầu tư, "xây tổ” đón “đại bàng”.

(3) Về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh:

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước những thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT, KCN trên địa bàn tỉnh cũng khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khó khăn, thách thức với kết quả đạt và vượt so với cùng kỳ như: Xuất khẩu ước đạt 1,19 tỷ USD, tăng 30 % so với cùng kỳ năm 2022; chiếm 38,3% trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh năm 2023; Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 2.854 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022; chiếm 16% trên tổng thu ngân sách cả tỉnh năm 2023;..., đóng góp rất tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong năm 2023. Đây là những cố gắng, nỗ lực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong KKT, KCN, thể hiện sự đồng hành giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế.

(4) Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp:

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp được ưu tiên phát triển như hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, hạ tầng cảng biển gắn với khu kinh tế Đông Nam, hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp… là một trong những yếu tố quan trọng để tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào KKT, KCN. Đặc biệt, với kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 99% cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả tỉnh (80,87%) cho thấy sự cố gắng, tập trung quyết liệt của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý KKT Đông Nam trong thời gian qua, cùng sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương.

(5) Về công tác bồi thường GPMB, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất

Cùng với đó, công tác quản lý về đất đai, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đang tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2023, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các Sở, ban, ngành, địa phương cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư hạ tầng, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nâng cao tỷ lệ giải phóng mặt bằng các KCN (VSIP Nghệ An đạt 90,2%; KCN WHA giai đoạn 1,2 đạt 99,4%; Hoàng Mai 1 đạt 92%, tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng tại KCN Thọ Lộc giai đoạn 1, Hoàng Mai 2). Năm 2023, Ban Quản lý đã giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 447,9ha (Bao gồm: KCN VSIP Nghệ An là 1.128.036,3 m2; KCN Thọ Lộc (đợt 1) là 69.374,6 m2, KCN WHA Industrial Zone Nghệ An là 3.166.749,7 m2; Nhà máy Hoa Sen Nghệ An là 12.700,5 m2; Nhà máy tổ hợp cơ khí CPT Nghệ An là 101.694,8 m2, Nhà ở công nhân Nghi Xá 460,7 m2); tăng 81,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 97,5% diện tích (khoảng 436,7ha) bàn giao cho nhà đầu tư VSIP, WHA để xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Mặt khác, Ban đã tích cực phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 (trong đó chỉ tiêu Đất khu kinh tế Đông Nam được bổ sung thêm 58.995ha).

(6) Về công tác quản lý doanh nghiệp và lao động

Một trong những vấn đề đặt ra cần quan tâm hiện nay và thời gian tiếp theo, đó là việc đảm bảo nguồn cung ứng lao động trong KKT, KCN. Trong thời gian qua, Ban Quản lý KKT đã nhận thức đúng về vấn đề hỗ trợ kết nối cung cầu và tuyển dụng lao động, tăng cường công tác phối hợp với các ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh bằng nhiều phương thức khác nhau để đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động. Thu nhập bình quân của người lao động đang dần được cải thiện (trên 7,7 triệu/người/tháng); bước đầu các dự án đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trong KKT, KCN như nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện, thương mại, dịch vụ...đang dần được hình thành, tạo sự phát triển đồng bộ, ổn định.

Năm 2023, Ban Quản lý tập trung hỗ trợ kết nối cung - cầu tuyển dụng lao động thông qua nhiều hình thức: Phối hợp với các sở, ngành, Trung tâm giới thiệu việc làm thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tới các địa phương; tổ chức làm việc với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn tỉnh để kết nối đào tạo cung ứng nguồn nhân lực; trong năm 2023 đã hỗ trợ giới thiệu kết nối khoảng 13.630 vị trí việc làm cho 45 doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp

(7) Về công tác bảo vệ môi trường:

Tính đến tháng 12/2023, 6/6 khu công nghiệp đang hoạt động đã đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý 19.950 m3/ngđ, đạt chỉ tiêu môi trường được HĐND tỉnh giao tại Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 (Bao gồm: KCN VSIP GĐI 6.000m3/ngđ; Bắc Vinh 250m3/ngđ; Nam Cấm GĐI 2.500m3/ngđ; WHA GĐI 3.200m3/ngđ; Đông Hồi GĐI 2.000m3/ngđ; Hoàng Mai I (6.000m3/ngđ), đang triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải KCN WHA GĐ2 công suất 8.000m3/ngđ; KCN Thọ Lộc, KCN Hoàng Mai II đáp ứng yêu cầu đấu nối các dự án thứ cấp trước khi đi vào hoạt động.

(8) Công tác quản lý dự án sau cấp phép:

Công tác quản lý nhà nước được chú trọng thực hiện, Ban Quản lý ban hành Kế hoạch số 10/KH-KKT ngày 3/3/2023 kiểm tra các dự án sau cấp phép đầu tư; Đoàn kiểm tra Ban Quản lý đã tổ chức kiểm tra 08 dự án chậm tiến độ (xử phạt VPHC 02 dự án với số tiền 140 triệu đồng; gia hạn tiến độ sử dụng đất 04 dự án). Chủ trì các Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra quy hoạch Dự án khu resort Bắc Đảo Lan Châu thị xã Cửa Lò; kiểm tra ATLĐ, VSLĐ tại Công ty TNHH Châu Tiến (xử phạt VPHC 116 triệu đồng); kiểm tra môi trường tại Khu chôn lấp CTR Nghi Yên; thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động 06 dự án.

(9) Về công tác cải cách hành chính:

Năm 2023, Ban Quản lý luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số tại cơ quan (Xếp hạng CCHC của Ban ngày càng được cải thiện và nâng cao hàng năm: Năm 2020 xếp thứ 14/21; năm 2021 xếp thứ 10/21 và năm 2022 xếp thứ 5/21 đơn vị Sở ngành cấp tỉnh). Trong năm đã ban hành các kế hoạch về công tác CCHC, chuyển đổi số để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính, phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban; thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC kịp thời, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Triển khai đề tài số hóa CSDL công tác quản lý; tăng cường ứng dụng CNTT trong điều hành công việc và kiểm tra, kiểm soát giải quyết thủ tục hành chính, kỷ luật kỷ cương. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính. Rà soát, xây dựng Đề án vị trí việc làm, Đề án tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Với những kết quả đạt được, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã được UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2023, đề nghị tặng cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 01 tập thể phòng được công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; 9 tập thể, cá nhân doanh nghiệp, nhà đầu tư được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2023; 02 tập thể doanh nghiệp được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, 02 cá nhân được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, vẫn còn những mặt hạn chế, tồn tại mà Ban Quản lý KKT Đông Nam đã chỉ ra và cần tập trung khắc phục như: Tiến độ triển khai Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An còn chậm; thủ tục đầu tư dự án cảng nước sâu Cửa Lò kéo dài nhiều năm; Một số vướng mắc trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm; Công tác quản lý nhà nước sau cấp phép còn những hạn chế... Đối với các vướng mắc do cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật cần tập trung nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, bước sang năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định thành công việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Quản lý KKT Đông Nam đề ra một số, chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cụ thể.

Hoàn thành các chỉ tiêu đề ra: (1) Hoàn thành phê duyệt Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; (2) Hoàn thành phê duyệt 5-7 đồ án quy hoạch phân khu các khu công nghiệp, khu chức năng theo điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040; (3) Thu hút đầu tư khoảng 20 - 25 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư FDI khoảng 700 triệu USD. Thành lập mới 2 – 3 khu công nghiệp với quy mô khoảng 600ha; (4) Thực hiện giao đất, cho thuê đất khoảng 250 – 300 ha để xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp; (5) Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; (6) Hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2024, tỷ lệ giải ngân đạt 100%. Hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 07 dự án; khởi công mới 04 dự án; thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư 02 dự án hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế, khu công nghiệp; (7) Phấn đấu thu ngân sách trong khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 3.000 – 3.500 tỷ đồng; Giải quyết việc làm mới cho khoảng 10.000 – 15.000 lao động.

Triển khai đồng bộ, kịp thời 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra (Tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình hành động, các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Tập trung công tác lập quy hoạch phân khu các khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế; Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ các dự án trọng điểm; Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trong khu kinh tế, khu công nghiệp; Tăng cường công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, chuyển đổi số). Chủ động chuẩn bị ngày càng tốt hơn yêu cầu “5 sẵn sàng” để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI: “Sẵn sàng về quy hoạch – Sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu – Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư – Sẵn sàng về nguồn nhân lực – Sẵn sàng đổi mới, cải cách, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư”.

Với tinh thần quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, quyết tâm, trách nhiệm cao, Ban quản lý KKT Đông Nam tiếp tục phát huy vai trò chủ trì, đầu mối, phối hợp hiệu quả với các Sở, ngành, địa phương liên quan, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặng Hằng - Phòng Kế hoạch và Đầu tư