Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp
Tiếp tục triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Căn cứ Điều 59, 60, 61 và 62, Bộ luật Lao động năm 2019; Điều 51 và 52, Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Điều 42 và 43, Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp. Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam hướng dẫn quyền và trách nhiệm của Doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp, với một số nội dung chính như sau:
1. Quyền của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp:
1.1. Được thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong doanh nghiệp và cho xã hội theo quy định tại Điều 18, Luật giáo dục nghề nghiệp.
1.2. Được tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên tại nơi làm việc của doanh nghiệp theo quy định sau đây:
- Đối tượng đào tạo là người lao động làm việc tại doanh nghiệp và lao động khác có nhu cầu được đào tạo;
- Chương trình đào tạo bao gồm: Chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1, Điều 40 của Luật giáo dục nghề nghiệp;
- Người dạy là nhà giáo hoặc nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi;
- Thỏa thuận với người học là người lao động của doanh nghiệp về mức tiền lương và phương thức trả lương trong thời gian đào tạo;
- Người học sau khi học hết chương trình đào tạo, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu doanh nghiệp cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo. Chứng chỉ đào tạo phải ghi rõ nội dung và thời gian đào tạo;
- Báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi tổ chức đào tạo để theo dõi, quản lý.
1.3. Được liên kết, phối hợp với các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định.
1.4. Được tham gia đặt hàng đào tạo nghề nghiệp đối với các ngành, nghề ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước; được đặt hàng đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
1.5. Cử đại diện tham gia vào hội đồng trường cao đẳng, trường trung cấp công lập; hội đồng quản trị trường cao đẳng, trường trung cấp tư thục nếu lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có liên quan đến ngành, nghề đào tạo của trường.
1.6. Được tham gia xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo; xây dựng khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp; chương trình, giáo trình đào tạo nghề nghiệp; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
1.7. Hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; cấp học bổng cho học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
1.8. Được thực hiện các quyền khác theo quy định tại Điều 51 của Luật giáo dục nghề nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp:
2.1. Hàng năm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động theo ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.
2.2. Cử người đại diện là chuyên gia, cán bộ kỹ thuật phù hợp tham gia xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
2.3. Tự tổ chức đào tạo, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo; đặt hàng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp theo quy định.
2.4. Cung cấp thông tin phản hồi về chất lượng lao động qua đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thông tin cho các cuộc điều tra, khảo sát của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi có yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp.
2.5. Tiếp nhận nhà giáo, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề tại doanh nghiệp hoặc cập nhật, tiếp cận công nghệ mới; trả tiền lương cho nhà giáo, học sinh, sinh viên trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách bao gồm hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp trên thị trường trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp theo mức do các bên thỏa thuận. Trường hợp tiếp nhận người lao động vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng đào tạo với người lao động và không thu học phí.
2.6. Trả chi phí đào tạo, trả lương cho người lao động của doanh nghiệp trong thời gian nghỉ đi học theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động theo quy định của pháp luật.
2.7. Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động trong doanh nghiệp và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định tại các Điều 60, 61 của Bộ luật lao động.
2.8. Thực hiện trách nhiệm xã hội đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cam kết đóng góp vào sự phát triển bền vững của giáo dục nghề nghiệp thông qua các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội.
2.9. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 52 của Luật giáo dục nghề nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ trong việc liên kết, phối hợp giữa các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong KKT, KCN, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cung cấp thông tin một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho các Nhà đầu tư, doanh nghiệp thuận tiên trong việc liên kết đào tạo./.
KT